Ngày 27/6, xét xử vụ tham ô tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
Ngày 27/6, Tòa án Quân sự Quân khu Thủ đô sẽ mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam về tội "Tham ô tài sản." Cùng bị xét xử về tội danh trên còn có cựu Trung tướng Hoàng Văn Đồng, cựu Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; ba cựu Thiếu tướng gồm: Doãn Bảo Quyết, cựu Phó Chính ủy; Phạm Kim Hậu, cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng; Bùi Trung Dũng, cựu Phó Tư lệnh; cựu Đại tá Nguyễn Văn Hưng, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật và cựu Thượng tá Bùi Văn Hòe, cựu Phó trưởng Phòng Tài chính.
Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đánh giá, đây là vụ án "Tham ô tài sản" có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cùng tham ô số tiền 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho quốc phòng. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi phạm tội là do các bị cáo chấp hành kỷ luật, pháp luật không nghiêm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quá trình phân bổ, sử dụng nguồn ngân sách phân cấp cho đơn vị để chiếm đoạt tiền nhằm vụ lợi cá nhân. Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng còn nhiều thiếu sót, là điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm kỷ luật.
Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn (Ảnh: TTXVN) |
Theo cáo trạng được Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương công bố, ngày 21/2/2019, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách nhà nước chi cho quản lý hành chính năm 2019, tổng số tiền 450 tỷ đồng. Đến ngày 8/3/2019, phiên họp của Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển mở rộng đã quyết nghị phân bổ cho Cục Kỹ thuật 150,1 tỷ đồng để tổ chức mua sắm tập trung vật tư, thiết bị cung cấp cho các đơn vị.
Sau đó, Nguyễn Văn Sơn, với vai trò là Tư lệnh Cảnh sát biển, đã gặp trao đổi, yêu cầu Nguyễn Văn Hưng (Cục trưởng Cục Kỹ thuật) khi thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị từ nguồn kinh phí trên, phải rút ra 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng. Tuy nhiên, Hưng cho rằng, Cục Kỹ thuật chưa bao giờ thực hiện việc này, rút ra 50 tỷ đồng là rất lớn, khó thực hiện và việc này phải thống nhất trong Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, Cục Kỹ thuật mới thực hiện.
Sau khi Bộ Quốc phòng có điều chỉnh về việc giảm nguồn ngân sách chi cho quản lý hành chính năm 2019 từ 450 tỷ đồng, còn 444 tỷ đồng, để tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Hưng dễ thực hiện việc rút 50 tỷ đồng, Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo Bùi Văn Hòe cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang thiết bị của 4 Vùng Cảnh sát biển để phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật. Tại phiên họp ngày 26/4/2019, Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển mở rộng đồng ý quyết nghị phân bổ nguồn ngân sách quản lý hành chính năm 2019 cho Cục Kỹ thuật số tiền 179,1 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, khoảng đầu tháng 4/2019, tại phòng ăn của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Nguyễn Văn Sơn đã chủ động trao đổi với Hoàng Văn Đồng, Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu và Bùi Trung Dũng về việc chỉ đạo Nguyễn Văn Hưng rút 50 tỷ đồng để chi cho các cá nhân này. Tất cả đều đồng ý và không có ý kiến gì khác.
Nguyễn Văn Hưng theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Sơn, yêu cầu 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật phải rút lại 50 tỷ đồng, phải xác định "Đây là nhiệm vụ Thủ trưởng giao và phải hoàn thành." Nguyễn Văn Hưng giao "định mức" cụ thể cho 6 người - tức mỗi trưởng phòng phải rút ruột từ 50 triệu đồng đến 25 tỷ đồng, để đủ 50 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 12/2019 đến đầu tháng 1/2020, nhận đủ tiền từ các nhà thầu, 6 trưởng phòng nộp lại toàn bộ tiền cho Nguyễn Văn Hưng để chuyển cho Nguyễn Văn Sơn. Việc giao nhận tiền đều được thực hiện tại phòng làm việc của Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Văn Sơn. Sau khi nhận 50 tỷ đồng, Nguyễn Văn Sơn chia cho mình và Đồng, Hậu, Quyết, Dũng.
Đến ngày 19/6/2020, Phạm Kim Hậu đã làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo hai file ghi âm phản ánh về một số tiêu cực, tham nhũng của bản thân và một số cá nhân là Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển liên quan đến công tác mua sắm vật tư, trang bị năm 2019.
Trên cơ sở đó, các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra về các sai phạm. Quá trình làm việc với Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đến tháng 9/2021, các cá nhân đã báo cáo rõ về hành vi sai phạm và tự nguyện nộp lại tiền để khắc phục hậu quả.
Đội tuyển Bóng chuyền Nữ Việt Nam lập kỳ tích ở giải Vô địch châu Á
Giành chiến thắng 3-2 trước Indonesia ở chung kết, đội tuyển Bóng chuyền Nữ Việt Nam lập kỳ tích khi lần đầu tiên vô địch một giải đấu cấp độ châu Á, để giành suất dự Challenger Cup Thế giới 2023.
Đội tuyển Bóng chuyền Nữ Việt Nam đã giành chiến thắng kịch tính 3-2 trước chủ nhà Indonesia trong trận chung kết, để lên ngôi vô địch Cúp Bóng chuyền Challenge châu Á 2023. Kết quả này giúp Bóng chuyền Nữ Việt Nam lập kỳ tích khi lần đầu tiên trong lịch sử giành chức vô địch một giải đấu cấp độ châu Á.
Việt Nam lần đầu vô địch AVC Challenge Cup sau khi đánh bại chủ nhà Indonesia 3-2 tối 25/6. (Ảnh: AVC) |
Ngoài chức vô địch, đội trưởng Trần Thị Thanh Thúy còn giành cú đúp danh hiệu cá nhân, gồm Vận động viên Toàn diện và Chủ công hay nhất. Đoàn Thị Lâm Oanh nhận danh hiệu Chuyền hai xuất sắc và Đinh Thị Trà Giang giành danh hiệu Phụ công xuất sắc.
Với chức vô địch AVC Challenge Cup, đội tuyển Bóng chuyền Nữ Việt Nam chính thức giành quyền đến Pháp tham dự Challenger Cup Thế giới 2023 diễn từ ngày 27-30/7. Cúp Bóng chuyền Challenge Thế giới 2023 thu hút 8 đội đại diện các châu lục tranh tài, đội vô địch sẽ giành quyền lên chơi ở Nations League năm 2024.
Nations League là giải đấu dành cho các đội hàng đầu thế giới như: Mỹ, Brazil, Italy, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản. Đội tuyển Thái Lan (hạng 15 thế giới) là đại diện duy nhất của bóng chuyền khu vực Đông Nam Á góp mặt ở Nations League. Challenger Cup Thế giới 2023 hiện đã xác định được 6 đội đoạt quyền tham dự giải đấu này là Puerto Rico (hạng 16 thế giới), Colombia (hạng 19 thế giới), Pháp (hạng 21 thế giới), Kenya (hạng 30 thế giới) và Việt Nam (hạng 49 thế giới).
Trong trận chung kết với Indonesia, đội tuyển Bóng chuyền Nữ Việt Nam nhập cuộc tự tin để tạo thế áp đảo trước khi thắng dễ Indonesia 25-18. Tuy nhiên, trong 2 set tiếp theo, đội chủ nhà vùng lên đầy mạnh mẽ và dẫn ngược 2-1 khi lần lượt thắng Việt Nam 27-25 và 25-21. Kịch tính được đẩy lên cao khi đội bóng của Huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt thi đấu ấn tượng và thắng 25-20 ở set 4, qua đó kéo trận đấu vào set thứ 5. Ở set đấu quyết định, Đội tuyển Việt Nam đã giành giật nhau từng điểm một với đối thủ, trước khi khép lại trận đấu với tỷ số sát nút 15-13.
Nga dỡ bỏ chế độ chống khủng bố tại thủ đô Moskva sau vụ Wagner
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết ông đã dỡ bỏ chế độ an ninh "chống khủng bố" áp đặt cuối tuần qua để ngăn ngừa vụ binh biến của tập đoàn lính đánh thuê Wagner.
Lực lượng thực thi pháp luật Nga được triển khai bảo vệ an ninh ở thủ đô Moskva, ngày 24/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 26/6, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết ông đã dỡ bỏ chế độ an ninh "chống khủng bố" áp đặt cuối tuần qua do vụ binh biến của tập đoàn lính đánh thuê Wagner nhằm vào thành phố này. Trên tài khoản Telegram, ông Sobyanin đã gửi lời cảm ơn người dân Moskva vì sự "bình tĩnh và hiểu biết" của họ khi xảy ra khủng hoảng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Nga thông báo tình hình ở nước này đã "ổn định." Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã lần đầu tiên xuất hiện công khai sau vụ binh biến của Wagner vừa qua. Ông Shoigu đã thị sát sở chỉ huy tiền tuyến của quân đoàn thuộc quân khu miền Tây trong khu vực "chiến dịch quân sự đặc biệt."
Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Trong quá trình làm việc tại khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt, Bộ trưởng Shoigu đã kiểm tra sở chỉ huy tiền phương của một trong những quân đoàn thuộc quân khu miền Tây.” Bộ trên lưu ý rằng tại sở chỉ huy, ông Shoigu đã nghe báo cáo của chỉ huy tập đoàn quân, Thượng tướng Yevgeny Nikiforov, về tình hình hiện nay, tính chất hành động của kẻ thù và việc thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Nga ở các hướng chiến thuật chủ yếu. Thượng tướng Nikiforov cũng báo cáo với Bộ trưởng Shoigu về việc hình thành và phối hợp chiến đấu của các trung đoàn dự bị mới được thành lập của quân khu miền Tây.
Mở rộng điều tra vụ hơn 200 trẻ em tử vong sau khi uống siro ho nhiễm độc
Ngày 26/6, cảnh sát Indonesia thông báo đang mở rộng cuộc điều tra vụ hơn 200 trẻ em nước này tử vong khi sử dụng thuốc ho siro có nhiễm độc nhằm làm rõ liệu một số quan chức tại Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) có hành vi vi phạm hình sự liên quan vụ việc này hay không.
Đây là động thái mới nhất nhằm truy cứu trách nhiệm những cá nhân liên quan đến vụ việc gây chấn động dư luận trong thời gian qua. Ông Andika Urrasyidin, trưởng nhóm điều tra vụ siro ho nhiễm độc, cho biết lực lượng chức năng đã triệu tập nhiều quan chức BPOM để thẩm vấn và cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Ông Andika nhấn mạnh cơ quan điều tra đang xem xét tất cả những bằng chứng và tiếp tục lấy lời khai những người có liên quan. Ông khẳng định những cá nhân có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Times of Malta) |
Trong khi đó, ông Hersadwi Rusdiyono, Giám đốc Cơ quan điều tra tội phạm thuộc Cảnh sát Quốc gia Indonesia, nói rõ các quan chức của BPOM đã được mời đến với tư cách là nhân chứng và các điều tra viên cũng đang tiến hành rà soát các cơ quan quản lý dược phẩm. Theo ông Hersadwi, cảnh sát đang phối hợp với các công tố viên nhằm đảm bảo rằng các quan chức của BPOM đã làm đúng chức năng và trách nhiệm theo luật quy định. Ông cũng nói rõ cuộc điều tra cho đến nay chỉ tập trung vào các nhân viên ở cấp thấp hơn và không bao gồm Giám đốc BPOM Penny Lukito.
Hồi tháng 10/2022, Indonesia đã tạm thời cấm bán một số thuốc dạng siro sau khi xác định ethylene glycol và diethylene glycol có trong thành phần thuốc. Đây là 2 hợp chất được dùng như chất chống đông trong các sản phẩm công nghiệp, song cũng là một chất thay thế giá rẻ hơn cho glycerine, một dung môi hoặc chất làm đặc trong nhiều loại siro ho. Hai hợp chất này có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính.
Cho đến nay, BPOM đã thu hồi giấy phép của ít nhất 3 công ty khác sản xuất các sản phẩm mà cơ quan này xác định có chứa hàm lượng lớn ethylene glycol và diethylene glycol. Cuối năm 2022, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ và đưa ra cáo buộc đối với 8 cá nhân thuộc các công ty nước này. Đây là những doanh nghiệp đã nhập khẩu và phân phối nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất thuốc siro ho bị phát hiện có chứa hóa chất công nghiệp độc hại đối với sức khỏe trẻ em./.
Liên kết giải trí trực tuyến Gem Savior